Cai trị Hán_Thành_Đế

Năm 33 TCN, Hán Nguyên Đế mất, Lưu Ngao lên ngôi, tức là Hán Thành Đế, Vương Chính Quân trở thành Hoàng thái hậu. Lưu Khang được cải phong Định Đào vương (定陶王), cai quản vùng Định Đào, còn Phó Chiêu nghi trở thành Định Đào Thái hậu (定陶太后). Dù âm mưu phế Thái tử trước đây, nhưng Hán Thành Đế và Vương thái hậu vẫn thân thiết với 2 mẹ con Phó thái hậu, thường triệu về kinh để bớt lời dị nghị từ phía đại thần đối với Lưu Khang.

Khi lên ngôi, Hán Thành Đế Lưu Ngao không chuyên tâm điều khiển chính sự, mà giao hết quyền hành trong triều cho các cậu họ Vương bên mẹ: Vương Phượng làm Đại Tư mã, Đại tướng quân kiêm Thượng thư lệnh, đồng thời phong 5 người thân thích bên mẹ khác gồm Vương Đàm, Vương Thương, Vương Lập, Vương Căn, Vương Phùng lên tước Hầu, họ Vương từ đấy lũng đoạn chính sự. Hán Thành Đế nhiều lần nhận ra sự chuyên quyền của họ Vương, nhưng do ảnh hưởng của mẹ ruột là Vương Thái hậu mà nhắm mắt làm ngơ. Chính sự bất ổn, mà bên ngoài liên tiếp có thiên tai, nhân dân khốn cùng bị bóc lột bèn nổi dậy chống lại.

Năm 29, Hầu Vô Tích khởi nghĩa ở Đông Quận[2], năm 22 TCN Thân Đồ Thánh khởi nghĩa ở Dĩnh Xuyên[3], năm 18 TCN Trịnh Cung nổi dậy ở Quảng Hán[4], Tô Lệnh nổi dậy ở Sơn Dương,…[5] Năm 19 TCN, cuộc nổi dậy của Tô Lệnh lan ra 19 quận, giết các Thái thú nhà Hán. Triều đình phải cử nhiều binh tướng đi đánh dẹp trong nhiều năm mới dẹp được các cuộc nổi dậy này. Còn về phương Đông, lúc này nước Đông Phù Dư thì vẫn còn lớn mạnh, không thần phục nhà Hán, không những vậy, sự xuất hiện và ra đời của nước Cao Câu Ly vào năm 37 TCN, nước này đã coi nhà Hán là kẻ thù và đã tấn công sáp nhập lấy quận Huyền Thổ, Liêu Đông (là 2 trong số 4 quận mà nhà Hán đã lập ra trên đất Triều Tiên để cai trị) vào lãnh thổ khiến nhà Hán càng về sau càng suy yếu.